Cây kim, sợi chỉ… cũng phải đi mua
Thủ tướng yêu cầu ngành dệt may có giải pháp tốt trong sản xuất – kinh doanh, không chỉ gia công mà phải tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm
Sáng 20-6, tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao và giải pháp đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã yêu cầu Vinatex làm rõ, tháo gỡ 6 nội dung nhằm phục vụ tăng trưởng trước mắt, bảo đảm sự ổn định, phát triển lâu dài cho tập đoàn.
Nghẽn ở công nghiệp phụ trợ, nhuộm
Thủ tướng thông qua tổ công tác giao cho Vinatex báo cáo về các giải pháp phục vụ thúc đẩy tăng trưởng GDP, trong đó, đổi mới ra sao, công nghệ thế nào, phát triển thị trường…?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng ngành dệt may đang làm tốt 2 khâu đầu và cuối là sợi và may nhưng lại nghẽn ở công nghiệp phụ trợ, nhuộm… “Từ cái kim, sợi chỉ, chiếc khuy áo cũng phải mua, vậy chúng ta nội địa hóa thế nào? Đề nghị đẩy nhanh tiến độ các dự án để sớm đưa vào hoạt động hiệu quả với mức đầu tư trên 5.000 tỉ đồng. Không để các dự án đầu tư dở dang, kém hiệu quả, thất thoát vốn” – Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Kể lại chuyến đi thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa qua, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết khi vào cửa hàng của Ivanka Trump, con gái tổng thống Mỹ, Thủ tướng rất mừng khi thấy quần áo Made in Vietnam được bày bán. “Như vậy, hàng dệt may Việt Nam đã chinh phục những thị trường rất khó tính, quan trọng như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Song, với các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, ASEAN…, nếu không đổi mới nhanh sẽ không đáp ứng được yêu cầu” – ông nói và yêu cầu Vinatex cần đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu.
Bộ trưởng cũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc yêu cầu ngành dệt may có giải pháp tốt trong sản xuất – kinh doanh, không chỉ gia công mà phải tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, tránh tình trạng giá trị xuất khẩu lớn nhưng giá trị thu về thực tế không cao. Ngoài ra, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, ngành dệt may cần đẩy mạnh ứng dụng nhiều công nghệ mới trong quản lý sản xuất, quản trị doanh nghiệp (DN). Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính nội bộ, tránh tình trạng bộ máy hành chính cồng kềnh, bộ máy quản lý lương cao nhưng lương công nhân thấp.
Đặt hàng Việt Nam, chỉ định vải Trung Quốc
Giải trình chung các vấn đề khó khăn của ngành dệt may, Chủ tịch Vinatex Trần Quang Nghị chỉ ra rằng chúng ta đang ở cạnh Trung Quốc – một cường quốc dệt may khổng lồ với sức phát triển liên tục cùng sự “chăm sóc” của cả hệ thống quốc gia. Trong đó, riêng phần trợ giá cho xuất khẩu thì Việt Nam đã thua Trung Quốc, chưa kể đến quy mô sản xuất của Trung Quốc là một đại công xưởng giúp cho các DN nước láng giềng có chi phí sản xuất thấp hơn. Tất cả những điều này dẫn đến bất lợi rất lớn với ngành dệt may trong cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Chủ tịch Vinatex cũng nêu một thực tế là các DN FDI lớn đặt hàng tại Việt Nam đều chỉ định vải của Trung Quốc bởi thực tế, các DN sản xuất vải tại Trung Quốc từ lâu đã là “hậu phương” của nhiều DN FDI. Hơn nữa, quy mô sản xuất của Việt Nam không thể “sánh ngang” Trung Quốc nên dù có chấp nhận giá bán bằng với Trung Quốc thì sản phẩm nguyên liệu may mặc của chúng ta cũng không thể cạnh tranh được. “Chúng tôi đặt vấn đề với họ là lấy vải của Việt Nam nhưng họ nói quy mô sản xuất của ông nhỏ, khi đơn hàng của họ bùng nổ lên, cần lượng vải lớn sẽ không đáp ứng được” – lãnh đạo Vinatex bày tỏ.
Về câu chuyện cổ phần hóa, theo ông Nghị, Vinatex đã rất nỗ lực, cố gắng, linh hoạt, vận dụng cơ chế chính sách để có động lực tốt cho DN. Song, ngoài những DN thuộc tập đoàn đã tiến hành cổ phần hóa “sâu” và có hiệu quả, còn những DN cổ phần hóa “cạn”, “làm chơi ăn thật”.