Giá than châu Á cao nhất kể từ tháng 4
Giá than nhiệt xuất khẩu từ cảng Newcastle (Australia) đã tăng 20% kể từ giữa tháng 5 và hiện ở mức cao nhất kể từ tháng 4 do hoạt động khai thác mỏ than ở Australia gặp khó khăn làm khan hiếm nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ ở bán cầu bắc đang trong mùa cao điểm.
Mưa quá nhiều ở Trung Quốc buộc nước này phải thắt chặt các hoạt động phát thuỷ điện cũng làm giảm công suất điện tại thị trường này, bao gồm cả nhà máy thuỷ điện lớn nhất thế giới, buộc ngành phải tăng công suất sản xuất nhiệt điện để bù đắp chỗ thiếu hụt.
Đã mấy tuần qua thị trường than trở nên khan hiếm, khiến giá than giao ngay tại Newcastle – tham chiếu cho toàn thị trường châu Á – tăng 18% lên 84,20 USD/tấn, mức cao nhất kể từ 20/4.
Ngân hàng Deutsche Bank cho biết giá than tăng còn do nhiều yếu tố khác, bao gồm cả sự cố hầm lò liên quan đến thời tiết tại các mỏ than ở Indonesia (mưa lớn và lũ lụt) và Nam Phi (thời tiết xấu gây khó khăn cho việc bốc xếp than ở cảng trên vịnh Richards), cũng như cuộc đình công của công nhân ngành than ở Hunter Valley (Australia) hồi tháng 6 làm giảm sản lượng trong tháng.
Tại Trung Quốc, mưa lớn đã khiến nhà máy thuỷ điện lớn nhất thế giới – đập Tam Hiệp, có công suất khoảng 20.000 megawatt – phải cắt giảm 6.000 MW để giảm bớt áp lực nước xả lũ. Các đập thuỷ điện khác cũng bị ảnh hưởng, với tổng công suất thuỷ điện giảm khoảng 13.000 MW. Các thương gia tính toán rằng con số đó tương đương công suất của khoảng 12 nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch hoặc nhà máy điện nguyên tử.
Năm ngoái mưa lớn cũng đã đẩy giá than tăng mạnh, đúng thời điểm Trung Quốc hạn chế khan thác mỏ than, buộc các nhà máy nhiệt điện phải tăng phụ thuộc vào than nhập khẩu để đáp ứng đủ nhu cầu.
Dữ liệu về thời tiết cho thấy lượng mưa tại hầu hết các khu vực ở phía nam, đông nam, đông và miền trung Trung Quốc đã vượt xa cùng thời điểm này của các năm trước. Những khu vực này tập trung nhiều các đập thuỷ điện nhất trên cả nước.
Trong khi đó, ở các tỉnh miền bắc nước này, thời tiết đang khô nóng bất thường, khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Tuy nhiên, trong tương lai xa, giá than dự báo sẽ giảm bởi nguồn cung sẽ dồi dào.
“Giá than tăng gần đây có thể sẽ không kéo dài bởi thị trường than đá đã trong năm 2017 đã trở nên cân bằng cung – cầu hơn nhiều so với năm trước”, Deutsche cho biết.
Ba nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới – Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ – đã gia tăng khai thác than trong năm 2017 sau khi sản lượng than toàn cầu năm 2016 đột ngột giảm.
Mới đây hãng năng lượng BP của Anh cho biết khai thác than trên toàn cầu năm 2016 giảm 6,5%, mức giảm chưa từng có trong lịch sử. Trung Quốc và Mỹ góp một nửa vào tổng mức giảm đó, trong khi sản lượng của Ấn Độ tăng.
Nhưng tình hình năm nay hoàn toàn khác. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2017, sản lượng của 3 nước đã tăng ít nhâtgs 121 triệu tấn, tương đương 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tăng mạnh nhất là ở Mỹ với 19%, theo số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ.
Nguyên nhân bởi sự thay đổi chính sách ở Trung Quốc, những thay đổi trên thị trường năng lượng Mỹ và Ấn Độ tiếp tục chính sách cung cấp điện cho người nghèo.
Mọi thứ đang thay đổi rất nhanh. Chỉ mới đây hãng BP cho biết năm 2016 nhu cầu tiêu thụ than ở Mỹ giảm 33,4 triệu tấn quy dầu xuống 258,4 triệu tấn – mức chưa từng có kể từ thập niên 1970; tiêu thụ ở Trung Quốc – nước sử dụng nhiều năng lượng nhất thế giới – cũng thấp nhất trong vòng 6 năm. Năm 2016 tiêu thụ than giảm ở mọi châu lục, ngoại trừ châu Phi.
Những thông tin là cơ sở để dự báo về triển vọng thị trường than rất trái chiều. Mới đây chính phủ Trung Quốc thông báo sẽ không cho phép nhập khẩu than từ các cảng nhỏ kể từ ngày 1/7, động thái nhằm thắt chặt nguồn cung trong mùa hè để đẩy giá than lên. Giá than cốc kỳ hạn giao sau tại Trung Quốc đã tăng gần 8% vào ngày 29/6/2017, trước thời điểm chính sách có hiệu lực.
Và ngày 21/6 vừa qua, Coal India, nhà sản xuất than lớn nhất thế giới, cho biết họ đang đóng cửa 37 mỏ than và sẽ kết thúc việc này vào tháng 3 năm sau với lý do khai thác than không còn mang lại hiệu quả về kinh tế do than phải cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các loại năng lượng tái tạo.
Trung Quốc đã cam kết cắt giảm khí thải nhà kính vào năm 2030 và năm ngoái đã đóng cửa hàng trăm mỏ than không an toàn, đồng thời buộc những mỏ hoạt động phải giảm giờ khai thác. Tất cả nhằm giảm cung cấp than và kéo giá tăng lên, mặc dù hiện tại chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng chính sách này và sản xuất từ đó đang dần hồi phục.
Tuy nhiên, NYTimes mới đây đưa tin mặc dù Trung Quốc đã dừng kế hoạch xây dựng hơn 100 nhà máy nhiệt điện mới trong năm nay, nhưng các công ty nước này lại đang xây dựng hoặc kế hoạch xây dựng trên 700 nhà máy nhiệt điện mới trên khắp thế giới, kể cả ở Trung Quốc. Nguồn tin này cũng cho rằng những số liệu mới về hoạt động sản xuất nhiệt điện cho thấy những “bức tranh” rất khác nhau: Các công ty năng lượng Trung Quốc sẽ chiếm gần một nửa tổng công suất nhiệt điện mới dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong thập kỷ tới.